Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

(Kênh giáo dục)Nỗi lo giám thị

Sau khi kiểm tra, xác minh sự việc, hội đồng kỷ luật của Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách đã quyết định nâng mức kỷ luật đối với cô Hằng từ khiển trách lên mức cảnh cáo.

Ắt hẳn, chúng ta vẫn chưa quên, những biểu hiện tiêu cực xảy ra ở một hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT thuộc tỉnh Hà Tây cũ, năm 2006, trong đó có sự tiếp tay, buông bỏng kỷ cương phòng thi của một số giám thị coi thi đã bị thầy giáo Đỗ Việt Khoa ghi hình, tố cáo.

Lãnh đạo hội đồng coi thi và hàng loạt giáo viên coi thi tại hội đồng coi thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 bị xử lý kỷ luật do có hành vi “gà bài”, ném tài liệu, để thí sinh ngang nhiên, tự do “quay” bài trong phòng thi, từng gây bức xúc dư luận xã hội. Từ một số vụ việc tiêu cực cụ thể nêu trên đã gợi lên cho đội ngũ thầy, cô giáo chúng ta nhiều suy nghĩ, trăn trở về công tác tổ chức coi thi hiện nay.

 Kiểm tra hồ sơ thí sinh trươc khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Hoàng Triều

Kiểm tra hồ sơ thí sinh trươc khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Hoàng Triều

Trước khi tiến hành tổ chức một kỳ thi, hội thi nào đó của ngành giáo dục, các ban, hội đồng coi thi đều dành một thời gian nhất định để triển khai, quán triệt rất kỹ về quy chế, quy định của kỳ thi, hội thi cho mọi cán bộ, giám thị coi thi. Quy định chặt chẽ, tập huấn nghiêm túc, ban bệ coi thi đầy đủ, nhưng không hiểu sao một số cán bộ, giáo viên làm giám thị coi thi vẫn mắc sai phạm, coi thường quy chế. Là người trong cuộc, chúng tôi chẳng lạ gì những chuyện “động trời” sau khi kết thúc công việc coi thi. Gặp gỡ đồng nghiệp, anh em, nhiều giáo viên lại rất tự hào, hả hê khi kể về những “ thành tích” của mình từng “gà bài”, “giúp đỡ” thí sinh này; con, em phụ huynh kia. Không ít em học sinh đi thi về vạch đủ “tội” của giám thị , nào là thiếu công bằng, chỉ bài cho bạn A, bạn B; nào là lấy bài của những em học giỏi, làm tốt đưa cho “gà” của mình chép; nào là bỏ phòng thi ra bên ngoài nói chuyện, làm việc riêng.

Càng nghe đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh phơi bày sự thật coi thi của giáo viên mình, tôi càng thấy xót xa, buồn lòng. Những động cơ, biểu hiện sai phạm của giám thị coi thi đều đáng lên án, vì chính họ “ giết chết” sự tôn nghiêm của quy chế, pháp luật, vì chính họ gây nên tình trạng thiếu công bằng trong thi cử, trong giáo dục. Hai kỳ thi lớn, thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sắp đến gần, công tác tổ chức coi thi cần được thực hiện một cách triệt để, đúng quy chế, mọi biểu hiện tiêu cực, sai trái của cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi đều bị phát hiện, khống chế và xử lý nghiêm túc, kịp thời. Đó là kỳ vọng, mong mỏi tha thiết của nhiều thầy, cô giáo, học sinh, phụ huynh và dư luận cả nước.

ĐỖ TẤN NGỌC

Ngày mới thật tốt lành bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét