Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

(Kênh giáo dục)Về đâu những dự án thí điểm hàng ngàn tỉ? (*): 87,6 triệu USD, thí điểm rồi dừng!

Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) được triển khai từ tháng 1-2013 với tổng số vốn được phê duyệt là 87,6 triệu USD, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu 84,6 triệu USD và vốn đối ứng trong nước 3 triệu USD. Một chương trình tưởng chừng là lý tưởng và được triển khai rầm rộ trong cả nước nhưng rất nhiều trường sau một thời gian thí điểm đã phải kêu cứu, xin không tiếp tục áp dụng.

Đồng loạt xin "thoát"

Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Sau hơn 3 năm triển khai tại Việt Nam (từ năm học 2012-2013), VNEN đã nhận được rất nhiều phản ứng của phụ huynh vì chất lượng học tập của con em đi xuống.

Ngay trước năm học 2016-2017, cho rằng chất lượng học tập của con em ngày càng sa sút, tập thể phụ huynh khối 7 Trường THCS Chu Văn An (huyện Hương Khê, tĩnh Hà Tĩnh) đã đồng loạt ký đơn kiến nghị khẩn thiết gửi chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xin cho con em được thoát học mô hình VNEN. Không chỉ Hà Tĩnh, nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đã có văn bản dừng việc mở rộng dự án này như kế hoạch.

Về đâu những dự án thí điểm hàng ngàn tỉ? (*): 87,6 triệu USD, thí điểm rồi dừng! - Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP HCM) trong một giờ học theo mô hình VNEN Ảnh: TẤN THẠNH

Vậy lý do gì một mô hình với tên gọi trường học mới lại gây ra những phản ứng dữ dội như trên?

Theo ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, một trong những người tham gia triển khai mô hình ngay từ đầu tại TP - phải ghi nhận ý tốt của Bộ GD-ĐT là tận dụng nguồn kinh phí không hoàn lại để học sinh tiếp cận mô hình giáo dục có nét tương đồng. Ông Điệp cho biết lúc này, rất nhiều địa phương và các nhà giáo không biết thỏa thuận của phía tài trợ và Bộ GD-ĐT là áp dụng hoàn toàn hay từng phần của mô hình.

"Kể cả kinh phí tài trợ, chúng tôi cũng không được biết. Lúc đầu triển khai tại TP HCM, chúng tôi chỉ chọn 1 trường là Trường Tiểu học Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) và kinh phí họ cũng chuyển trực tiếp cho trường" - ông Điệp nhớ lại.

Dù là một trường tiểu học ở khu vực ngoại thành, với sĩ số ít nhưng qua quá trình triển khai VNEN, ông Điệp kể đã kiến nghị TP HCM và cả Bộ GD-ĐT rằng mô hình này rất khó thực hiện, chỉ nên cho các địa phương vận dụng chứ không thể áp dụng. "Chúng ta chỉ có thể vận dụng những ưu điểm của mô hình, những cái phù hợp và có lợi cho học sinh - khác hoàn toàn với việc bê nguyên xi vào giảng dạy và thực hiện. Nếu TP HCM áp dụng hoàn toàn nghĩa là một bước thụt lùi của giáo dục" - ông Điệp nhìn nhận.

Chạy theo số lượng

Theo đánh giá của các chuyên gia, để triển khai mô hình cần có các điều kiện đi kèm. Trong khi đó, những yếu tố cơ bản phục vụ cho việc triển khai VNEN rộng rãi như cơ sở hạ tầng (trường, lớp, sân chơi, bãi tập…) chưa bảo đảm đồng bộ về chất lượng và số lượng.

Thêm vào đó, việc đổi mới chưa đi theo một lộ trình phù hợp. Đội ngũ nhà giáo tham gia mô hình 100% là những người quen với nếp dạy truyền thống nên dù có được tập huấn cũng còn nhiều bỡ ngỡ. Trường lớp, bàn ghế, sĩ số... vốn được thiết kế cho mô hình dạy học truyền thống nên khi đưa vào sử dụng để dạy học theo VNEN không thể đáp ứng tốt được. Sự bất cập với điều kiện đặc thù về giáo dục, kinh tế, văn hóa, thổ nhưỡng vùng miền đã khiến việc triển khai VNEN gặp nhiều trở ngại.

Khi nói về VNEN, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đó là cách làm quá nóng vội, chắp vá. Thậm chí, từ ý tốt là xin được nguồn kinh phí không hoàn lại nhưng trở thành tham lam khi triển khai mập mờ, không hiệu quả, gây nên phản ứng dữ dội.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP HCM cho hay nếu quy định phải áp dụng thì trường áp dụng, còn nếu được tự nguyện thì trường sẽ không thực hiện. Bởi lẽ, mô hình này bộc lộ nhiều hạn chế khi áp dụng ở một TP lớn. Đơn cử là việc giảng dạy và tổ chức lớp học theo khuôn mẫu không phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên, hoạt động của học sinh cũng rất rập khuôn. Ngoài ra, thời đại công nghệ thông tin phát triển nhưng mô hình VNEN hầu như không nhắc tới việc sử dụng các thiết bị.

Ông Lê Ngọc Điệp cho rằng chính cách triển khai vội vã, những bước chuẩn bị cập rập, không tính toán đã dẫn đến sự thất bại của VNEN. Tính vội vã thể hiện ở chỗ công tác tập huấn không hiệu quả, giáo viên không thể một sớm một chiều thay đổi, phụ huynh không biết được con họ được gì từ mô hình này.

Triển khai rầm rộ, kết thúc âm thầm

Tháng 10-2016, Bộ GD-ĐT đã có một báo cáo ngắn gọn về một số thông tin liên quan đến VNEN. Theo đó, bộ nhìn nhận khó khăn của dự án là thời gian triển khai ngắn, phạm vi triển khai rộng khắp các tỉnh, thành cả nước với trình độ quản lý và tổ chức không đồng đều ở các cấp khác nhau. VNEN phải triển khai đổi mới đồng bộ trong khi điều kiện áp dụng tại một số trường học ở Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ, dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn. Việc áp dụng mô hình chưa linh hoạt và chưa phù hợp với điều kiện của một số địa phương…

Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận lộ trình và bước đi triển khai VNEN chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc. Việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... Điều đó dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Một giải pháp rõ ràng cho hàng ngàn ngôi trường thực hiện thí điểm VNEN khi đề án kết thúc cũng hoàn toàn không được Bộ GD-ĐT đưa ra. Báo cáo của bộ chỉ buông hờ một câu ngắn gọn: "Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai Mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh".

Theo số liệu từ Dự án VNEN, năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình này tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh. Năm học 2012-2013, triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Năm học 2015-2016, 4.177 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành triển khai thực hiện mô hình này.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng ở nước ngoài, lãnh đạo ngành giáo dục sẵn sàng xuống đường phát tờ rơi để giải thích về những đổi mới để mọi người đều biết và thực hiện. Còn ở Việt Nam, chúng ta cứ thế triển khai rồi im lặng kết thúc. Cứ cho rằng số tiền 84,6 triệu USD kia là miễn phí thì chúng ta đã sử dụng quá lãng phí mà không mang lại lợi ích thật sự, biến học sinh của hơn 4.000 trường tiểu học trở thành đối tượng thí nghiệm trong một giai đoạn rồi sau đó ra sao không cần biết!

Về đâu những dự án thí điểm hàng ngàn tỉ? (*): 87,6 triệu USD, thí điểm rồi dừng! - Ảnh 2.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5

Kỳ trước: Về đâu những dự án thí điểm hàng ngàn tỉ?

Kỳ tới: Đề án ngoại ngữ 9.300 tỉ khó về đích

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ngày mới thật tốt lành bạn nhé!

(Kênh giáo dục)TP HCM: Công bố ban đầu về đăng ký nguyện vọng lớp 10

Từ số liệu đăng ký ban đầu này, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng vào các trường từ ngày 5-5 đến 11-5.

Năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra ngày 2 và 3-6. Kế hoạch này sớm hơn 10 ngày so với mọi năm,

Với lớp 10 thường, đối tượng tuyển sinh là HS tốt nghiệp THCS tại TP HCM trong độ tuổi quy định đều được tham gia dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

TP HCM: Công bố ban đầu về đăng ký nguyện vọng lớp 10

HS được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia). Không được đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển.

Chi tiết đăng ký cụ thể, xem tại đây

Đặng Trinh

Ngày mới thật tốt lành bạn nhé!

(Kênh giáo dục)Cảnh cáo cô giáo khẻ tay học sinh vì buồn chuyện gia đình

Chiều 4-5, UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết cô giáo Lê Thị Thu Thảo, giáo viên dạy âm nhạc Trường tiểu học Võ Văn Mùi, xã Đức Tân vừa nhận quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo thông báo trong ngành giáo dục, do vi phạm đạo đức nhà giáo, đánh nhiều học sinh.

 Văn bản Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo kỷ luật giáo viên đánh đòn nhiều học sinh

Văn bản Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo kỷ luật giáo viên đánh đòn nhiều học sinh

Khoảng 14 giờ ngày 3-1, cô Thảo dạy lớp 5/1 học âm nhạc nhưng qua kiểm tra chỉ có 4 em đạt yêu cầu, còn lại 16 học sinh đều không thuộc bài hát. Cô “linh động” đưa ra 2 phương án, một là báo về cha mẹ, hai là bị đánh đòn. Các em đều chọn phương án 2. Mức phạt là 20 roi đánh vào bàn tay.

Một số em bị đánh đau quá rút tay lại nên bị cô Thảo tăng thêm hình phạt gấp đôi, gấp ba. Có em chịu đựng trên 50 cái khẻ tay nhưng về không dám báo cho cha mẹ biết.

Đến ngày 10-1, phụ huynh nghe con mình bị đánh nên trình báo sự việc đến lãnh đạo trường. Tại đây phụ huynh được giải thích là do các em lơ là môn học, thời gian này con cô Thảo bị bệnh phải vào viện điều trị và cô lại bị mất tiền, nên không thân thiện với học sinh trong lớp. Dù vậy, hơn một tháng sau, UBND huyện Tân Trụ mới biết được vụ việc từ phản ánh của báo chí.

Ngày 27-3, tập thể giáo viên nhà trường thống nhất đề nghị xử lý kỷ luật cô Thảo với hình thức cảnh cáo, do vi phạm về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, hiện cô đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, vì vậy đầu tháng 5-2017 trường mới công bố quyết định kỷ luật.

Cô giáo Thảo được xem là cán bộ có năng lực của Trường tiểu học Võ Văn Mùi.

Tin-ảnh: H.Minh

Ngày mới thật tốt lành bạn nhé!

(Kênh giáo dục)Về đâu những dự án thí điểm hàng ngàn tỉ?

Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự kiến bắt đầu từ năm 2018), đã có rất nhiều ý kiến cho rằng dự án hàng ngàn tỉ này khó khả thi bởi sự mơ hồ, thiếu thực tế. Nếu không cẩn trọng, lại thêm một đề án giáo dục nữa sẽ phá sản như không ít những đề án thí điểm tốn kém tiền bạc công sức trước đây. Cái giá phải trả cho sự thiếu cẩn trọng trong giáo dục không phải chỉ là cái nhìn thấy ngay trước mắt mà tồn tại sau đó rất lâu, có khi là ảnh hưởng lên cả một thế hệ.

“Đẽo cày giữa đường”, chạy theo thị hiếu

Có lẽ nhức nhối nhất là lứa “chuột bạch” của chương trình phân ban THPT. Được khởi xướng từ năm 1993, chương trình học phân ban được chia làm 3 ban: ban tự nhiên (A), ban xã hội (C) và ban kỹ thuật (B). Trong đó ban B khi triển khai đã không thành công. Năm 1998, toàn bộ phương án phân ban của Bộ GD-ĐT đã bị xóa bỏ khi Luật Giáo dục được thông qua.

Năm 2003, chương trình phân ban mới được khởi động lại, chỉ có 2 ban, dự kiến là tự nhiên A (60% học sinh) và ban xã hội C (40% học sinh). Khi triển khai vào thực tế, lượng học sinh theo học ban A chiếm khoảng 90%, trong khi ban C chỉ có 10%. Thậm chí, tại các vùng khó khăn ở các tỉnh phía Bắc, học sinh lại có nguyện vọng học một ban với một số môn tự chọn khác. Trước tình hình này, thay vì đến năm 2003 triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới đối với lớp 10 theo hướng phân ban thì Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ cho thêm 2 năm để nghiên cứu.

 Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong tiết học của chương trình phân ban.( Ảnh chụp tháng 4-2010) Ảnh: Tấn Thạnh

Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong tiết học của chương trình phân ban.( Ảnh chụp tháng 4-2010) Ảnh: Tấn Thạnh

Sau 2 năm thí điểm không thành công, Bộ GD-ĐT đã phải trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh chương trình thí điểm phân ban THPT. Theo phương án này, lớp 10 và 11 phân thành 2 ban như hiện nay. Đến lớp 12 sẽ phân ban sâu hơn, thành 4 ban tương ứng với 4 khối thi ĐH: A, B, C, D. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phương án đến lớp 12 phân hóa sâu thành 4 ban chỉ là cách xoa dịu dư luận. Bốn ban này tương đồng với 4 khối thi ĐH. Nói cách khác, việc phân ban chỉ nhằm mục đích là ôn thi ĐH, chạy theo thị hiếu và mọi con đường đều dẫn đến ĐH.

Tuy nhiên, đến khi triển khai đại trà, việc phân ban lại được thiết kế thành 3 ban mới, gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và cơ bản (học theo chương trình “chuẩn” và tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH, gọi là cơ bản A, C, D).

Nhận xét về sự thay đổi như chong chóng của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện phân ban, các chuyên gia giáo dục cho rằng chương trình phân ban qua các lần thí điểm thiếu hẳn một tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt. Do thiếu lập luận khoa học vững chắc nên các nhà thiết kế chương trình vừa làm vừa nghe ngóng kiểu “đẽo cày giữa đường” và thất bại là điều được báo trước.

Một ví dụ cho cách làm chắp vá là tới tháng 9-2006 đã phải triển khai đại trà mà tháng 9-2005, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục mới đề xuất bổ sung ban cơ bản bên cạnh 2 ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn theo thiết kế ban đầu của thí điểm lần 3. Việc phân ban “không giống ai” của nước ta đã biến các trường thành lò luyện thi ĐH, học sinh thi khối nào sẽ chọn ban tương ứng để học nâng cao các môn của khối thi đó.

Phi giáo dục vì học lệch, quá tải

Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hồi tháng 8-2013, GS Đào Trọng Thi, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng chủ trương phân ban ở cấp học THPT không thành công. Thống kê cho thấy từ năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học ban khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học ban khoa học xã hội và nhân văn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các nhà giáo giảng dạy tại các trường THPT lúc này nhớ lại: Ngày 15-8-2006 là hạn chót các trường THPT phải công bố kết quả phân ban học sinh lớp 10 tại trường mình. Thầy Trần Trung Kiên, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM), kể lúc này hầu như giáo viên phải đi tập huấn liên tục về mục tiêu, hiệu quả, kể cả những điểm được coi là lý tưởng của chương trình. Số lần giáo viên phải đi tập huấn đếm không xuể.

Thế nhưng, ngay khi thời hạn đăng ký kết thúc, con số thu được hết sức ngỡ ngàng, hầu như đa số các trường đều có 100% học sinh đăng ký vào ban cơ bản. Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết lúc này tại TP HCM, có tới 90% học sinh chọn không phân ban. Số học sinh chọn ban A rất ít và hầu như không có học sinh chọn ban C.

Thầy Trần Trung Kiên cho rằng một nguyên tắc cơ bản khi ban hành bất kỳ một chính sách giáo dục nào thì việc đầu tiên phải là hỏi ý kiến của đối tượng thực hiện và thụ hưởng. Chương trình phân ban cũng thế, thay vì hỏi học sinh và phụ huynh muốn gì, thì một số người tự… quyết luôn. Ông Kiên lý giải tâm lý bao đời nay của người Việt là muốn cho con vào ĐH, cơ hội vào ĐH thì chọn ban cơ bản và ban A là chắc ăn nhất. Nếu đã biết xu hướng này thì đáng ra phải làm sao để tác động cho học sinh thấy ĐH không phải là con đường duy nhất nhưng hậu quả đã đi ngược lại...

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, cái tốt của chương trình phân ban là phát triển năng khiếu của người học vì người này có năng khiếu về những kiến thức tự nhiên, người khác có kiến thức xã hội. Vì thế, chấp nhận phân ban là phải chấp nhận tư tưởng môn chính, môn phụ nhưng thực tế khi triển khai, chương trình vướng quan điểm giáo dục phải toàn diện. Phân ban mà vẫn phải bảo đảm giáo dục toàn diện, bắt học sinh học đầy đủ dẫn đến nặng nề, quá tải. Theo cách phân ban thì hệ số điểm số các ban tương đương nhau, độ chênh giữa số giờ học, điểm số các môn giữa các ban chỉ khoảng 20% trong khi khối lượng kiến thức có độ chênh rất lớn.

8 năm công cốc!

Ông Trần Trung Kiên phân tích phân ban mà hệ số đánh giá như nhau là sai ngay từ bản chất ban đầu và rất hoang đường. Một đứa trẻ không thể giỏi toàn diện các môn. Nếu chỉ giỏi toán thì môn văn phải có cách đánh giá thấp hơn. “Ngày trước giải phóng, chúng tôi học phân ban toán, lúc này hệ số toán tính là 5 thì các môn còn lại chỉ cần hệ số 1, 2 là đạt” - ông Kiên nói.

Thực tế kết quả giám sát tại các địa phương cũng cho thấy hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên đều chỉ tổ chức dạy học theo ban cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi ĐH theo lựa chọn của học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định trong khi thực hiện, Bộ GD-ĐT nên nhìn ra vấn đề bất hợp lý để có hướng xử lý phù hợp. Đằng này bộ này cứ cố duy trì chương trình tiêu tốn nhiều kinh phí trong trạng thái dật dờ, như kiểu xài cho hết tiền rồi muốn ra sao cũng được!

Một chương trình mang tầm ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh không đi đến đâu từ năm 2006 đến 2014. Vào năm 2014, đề thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ chỉ còn phần kiến thức trong chương trình cơ bản, đây được xem dấu chấm hết cho chương trình phân ban. Theo GS Đào Trọng Thi, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công. Nói cách khác, việc phân ban đã thất bại. Thế nhưng, trong mọi báo cáo công khai của Bộ GD-ĐT về tình hình giáo dục phổ thông đều không thấy bộ này nhắc gì đến kết quả của mô hình phân ban, hiệu quả hay hậu quả của nó.

Quá cứng nhắc

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, vào tháng 7-2014, Bộ GD-ĐT có tổng kết và đánh giá về chương trình phân ban, thừa nhận hạn chế của chương trình phân ban là quá cứng nhắc do phân thành 3 ban không đáp ứng được nguyện vọng của học sinh, không đáp ứng yêu cầu gắn với ngành nghề. Hơn nữa, chương trình phân ban cũng không bám sát mục đích phân ban ngay từ đầu; việc ra đề, thi cử cũng không phù hợp.

Nhiều chuyên gia giáo dục và giáo viên khi nhớ lại chương trình này đều nói thẳng đây là chương trình nhiều “không”, thiếu thực tế. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao trong suốt một thời gian dài, từ năm 2006-2014, Bộ GD-ĐT mới đưa ra đánh giá cuối cùng. Trong đánh giá này không đưa ra hướng khắc phục, cũng không có hướng kế thừa hay vứt bỏ những hạn chế của một mô hình giáo dục ở tầm quốc gia?

Kỳ tới: 87,6 triệu USD, thí điểm rồi dừng!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ngày mới thật tốt lành bạn nhé!

(Kênh giáo dục)Tiếc nuối với nghề phổ thông

Ở lớp 11 với thời lượng 105 tiết/ năm học (3 tiết/tuần); còn ở lớp 8 có thời lượng 70 tiết /năm học (2 tiết/tuần).

Theo đó, học sinh chọn một trong số 11 nghề phổ thông mà Bộ GD-ĐT có ban hành tài liệu dạy học, bao gồm: Làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay và tin học văn phòng; hoặc chọn trong một số nghề theo tài liệu của Sở GD-ĐT.

Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, cho thấy: Ở lớp 8 và lớp 11 chỉ có các môn học bắt buộc, các môn học bắt buộc có phân hoá; các môn học tự chọn; các môn học tự chọn bắt buộc và chuyên đề học tập; còn nghề phổ thông không còn là hoạt động giáo dục cho học sinh.

Theo Công văn 8608 của Bộ GD-ĐT thì hoạt động giáo dục nghề phổ thông có nhiệm vụ: “Hình thành cho học sinh một số kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng thực hành kỹ thuật theo quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo dục nghề phổ thông và phát triển nhu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn ”.

Thế nên, sẽ nhiều tiếc nuối, nếu như không còn hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở cả 2 giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bởi lẽ, ngoài 11 nghề phổ thông như hiện nay, nếu như Bộ GD-ĐT bổ sung thêm một số nghề thuộc các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính- viễn thông, tài chính- tiền tệ, kinh doanh - dịch vụ, an ninh- quốc phòng, công nghệ thông tin, các nghề truyền thống ở địa phương…; thì ít nhất mỗi học sinh còn được lựa chọn một nghể phù hợp với sở thích, phù hợp với năng khiếu và năng lực của thân, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động ở địa phương để tìm hiểu.

Sau khi tìm hiểu, các em sẽ định hướng chọn một nghề phù hợp để bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục vào học các trường nghề, trường đại học sau bậc học phổ thông. Qua đó góp phần vào việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

TRẦN VŨ

Ngày mới thật tốt lành bạn nhé!